Trang chủ Thành công trong tôi Trải nghiệm và kiến thức

Yêu Văn học qua một giờ học đặc biệt

13/03/2024

Đã bao giờ bạn nghĩ mình có thể “nhìn thấy” quá khứ từ rất nhiều năm về trước chưa? Giữa dòng chảy vội vã của cuộc sống hiện đại, chúng tớ - đại diện học sinh trường THCS Thành Công - được lắng hồn mình qua những trang văn, trang sử nước nhà một cách vô cùng chân thực, sống động thông qua buổi ghi hình chương trình “Lớp học vì sao” của đài truyền hình Quốc phòng Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Văn học Việt Nam thực hiện.

Khi đặt chân vào Bảo tàng Văn học Việt Nam, chúng tớ ngạc nhiên trước lối kiến trúc độc đáo mà vẫn giữ gìn nét truyền thống đặc trưng của dân tộc tại nơi đây. Tầng 1 là nơi ấn tượng nhất với các hiện vật, tư liệu văn học Việt Nam thời cổ, trung đại. Đập vào mắt du khách ở vị trí trung tâm gian trưng bày là một câu thơ kinh điển trong “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du: “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài” được đắp nổi trên tường, phía trước là tảng đá hình ngòi bút mang từ Đền Hùng về.

Ảnh có chứa trang phục, người, tường, trong nhà

Mô tả được tạo tự động

Chúng tớ tại Bảo tàng Văn học Việt Nam

Nắng cuối xuân dìu dịu, đưa làn gió mát lành phảng phất nụ cười của cô cậu học trò rải ngập lối đi. Trong lòng chúng tớ, ai cũng mang trong mình những xúc cảm khác nhau, những suy nghĩ khác nhau nhưng có lẽ tất cả đều gói gọn trong niềm háo hức xen lẫn sự bỡ ngỡ. Bởi đối với 6 người chúng tớ, đây là lần đầu tiên được tiếp xúc với ống kính máy quay, trải nghiệm một buổi quay phim thực sự.

Ảnh có chứa trang phục, người, giày dép, Mặt người

Mô tả được tạo tự động

Chúng tớ cùng nhau bàn và tập dượt kịch bản

Tác nghiệp trước ống kính máy quay

Có nhiều đoạn đang ghi hình, đột nhiên chúng tớ quên lời thoại hay nói vấp, vậy là cả ê kíp phải quay lại. Dẫu thế các cô của êkip chương trình vẫn tươi cười, vui vẻ, động viên tinh thần chúng tớ, bắt đầu lại, khiến chúng tớ an tâm hoàn thành “nhiệm vụ” của mình hơn rất nhiều.

Phần thú vị nhất hôm nay chính là trò chơi “Cuộc đua văn học” để tìm nguyên vật liệu làm ra “đèn lồng chữ Tâm chữ Tài”. Chúng tớ chia nhau thành 3 đội chơi, dựa trên các câu hỏi gợi ý liên quan đến văn học được chương trình đề ra mà tìm nơi cất giấu những đồ vật và huy hiệu ngôi sao thông thái. Thật may mắn chúng tớ đều đã tìm hiểu trước thông tin về khuôn viên bảo tàng cùng các cây đại thụ của nền văn học nước nhà, cho nên thử thách này không quá khó khăn với chúng tớ. Chẳng hạn như khi nhắc đến “Nơi 20 tác giả thời kỳ văn học trung đại hội tụ” chúng tớ nghĩ ngay đến khu vực trưng bày vườn tượng ngoài trời. Hay nhìn thấy hình ảnh “cái lò gạch cũ” là chúng tớ biết nơi cất giấu nguyên liệu làm lồng đèn có liên quan đến truyện ngắn “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao. Chỉ mất chút ít thời gian đội số 1 của chúng tớ đã nhanh chóng tìm được đầy đủ các nguyên vật liệu và dành chiến thắng. Cảm giác mỗi lần tìm thấy “kho báu” thật vui sướng khôn xiết. Trò chơi bổ ích giúp chúng tớ có cơ hội tham quan bảo tàng, có thêm những khám phá về nền văn học nước nhà.

Quán quân của “cuộc đua” ngày hôm nay

Một phần khá thú vị của buổi trải nghiệm là chúng tớ được làm lồng đèn từ giấy dó. Theo lời giới thiệu của cô hướng dẫn viên, chúng tớ mới biết giấy dó là một loại giấy được sản xuất thủ công. Vỏ cây dó được nấu và ngâm trong nước vôi với thời gian ba tháng, bóc bỏ lần vỏ đen đi, giã bằng cối và chày rồi dùng chất nhầy từ cây mò (chi Clerodendrum) tạo hỗn hợp kết dính. Hỗn hợp này gọi là "huyền phù" mà người thợ sẽ pha với nước độ lỏng hay đặc tùy theo loại giấy. Khi seo giấy, người thợ dùng "liềm seo" (khuôn có mành trúc, nứa hay dây đồng ken dày) chao đi chao lại trong bể bột dó. Lớp bột dó trên liềm chính là tờ giấy dó sau khi kết thúc công đoạn ép, phơi, sấy, nén hay cán phẳng. Xơ dó kết lại với nhau, như cái mạng nhện nhiều lớp, tạo nên tờ giấy dó. Sự kết mạng như vậy đã làm cho tờ giấy xốp. Vì xốp nên giấy rất nhẹ. Sau cùng là phơi hoặc sấy. Thời xưa vua chúa thường dùng để ban chiếu, viết hịch, còn thường dân dùng để vẽ tranh, viết văn thư,… Cầm tờ giấy dó trên tay, tớ như thấy một phần của quá khứ xa xưa hiện về.

Giấy dó khá mỏng nên rất dễ rách hoặc bị xô lệch do vậy khi làm lồng đèn từ loại giấy này đòi hỏi một bàn tay khéo léo và cả một sự nâng niu, trân trọng. Sau khi xong phần khung đèn và thân đèn, chúng tớ tiến hành trang trí. Chúng tớ dùng con dấu có khắc chữ chữ “Tâm” chữ “Tài”, để in lên thân đèn. Chữ “Tâm” mang nghĩa tâm thiện, gần với chữ “Đức”, còn “Tài” tượng trưng cho tài năng của con người. Đây cũng chính là thông điệp mà buổi học thú vị hôm nay dành đến cho chúng tớ.

Chúng tớ trải nghiệm làm đèn lồng tại tầng 6 bảo tàng – nơi phục dựng lại khung cảnh làng quê Việt Nam thời xưa

Ảnh có chứa trang phục, người, tòa nhà, giày dép

Mô tả được tạo tự động

Sản phẩm hoàn thành trong niềm phấn khởi chung của cả nhóm

Buổi ghi hình để lại cho chúng tớ những kỉ niệm đẹp của tuổi học trò, khiến chúng tớ thêm đoàn kết, gắn bó hơn. Đó là một bài học quý giá về hành trình đáng tự hào của nền văn học nước ta. “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” – điều đại thi hào Nguyễn Du căn dặn chúng tớ sẽ luôn khắc ghi.

Cô trò cùng chụp hình lưu niệm

 

Nguyễn Khánh Ngọc – Lớp 8A2
Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 4/5 trong 12384 đánh giá
Chia sẻ: